Triều đại Nero Agrippina con

Tranh chấp Quyền lực

Tượng Nero.

Agrippina nhận danh hiệu nữ tư tế trong nghi thức cúng tế Claudius khi ấy đã được phong thần. Bà được phép đến dự các kỳ họp của nguyên lão nghị viện, quan sát và lắng nghe các bàn luận đằng sau một bức màn.

Trong những tháng đầu tiên của triều Nero, Agrippina kiểm soát con trai và đế quốc. Tuy nhiên, khi Nero bắt đầu dan díu với một phụ nữ tự do tên Claudia Acte mà Agrippina kịch liệt phản đối, thì bà bị mất quyền lực. Agrippina quay sang ủng hộ Britannicus và tìm cách đưa ông lên ngôi. Tháng 2 năm 55, Britannicus bị đầu độc theo lệnh của Nero. Đây là thời điểm khởi đầu cuộc tranh chấp quyền lực giữa Agrippina và con trai của bà.

Từ năm 55 đến 58, Agrippina tỏ ra hết sức dè dặt và chăm chú quan sát mọi hành vi của Nero. Agrippina bị con trai tước bỏ quyền lực và mọi danh hiệu, kể cả đội cận vệ người La Mã và đội cận vệ người Đức của bà. Pallas bị loại khỏi triều đình. Sự thật sủng của Pallas và sự chống đối của Burrus và Seneca được xem là do Agrippina mất quyền kiểm soát.[4]

Đến năm 57, Agrippina bị trục xuất khỏi hoàng cung, và bị đưa đến một lãnh địa ven sông tại Misenum. Khi Agrippina sống ở Misenum với những chuyến viếng thăm ngắn ngủi đến La Mã, bà luôn bị người của Nero đến quấy nhiễu. Tuy nhiên, bà rất được lòng dân, nhờ đó vẫn duy trì được ảnh hưởng.

Qua đời

Tình huống xung quanh cái chết của Agrippina là không rõ ràng do sự mâu thuẫn trong các chứng cứ lịch sử và do khuynh hướng chống Nero. Tất cả các câu chuyện kể về cái chết của Agrippina còn lưu truyền đến ngày nay đều mâu thuẫn và thường có nhiều thêm thắt.

Theo Tacitus, năm 58 Nero dan díu với một phụ nữ quý tộc tên Poppaea Sabina. Tìm ra lý cớ để ly dị vợ, Octavia, và kết hôn với Poppaea khi Agrippina còn sống là điều bất khả về mặt chính trị, nên Nero quyết định giết Agrippina.[5] Song, mãi đến năm 62 Nero mới cưới Poppaea nên luận cứ này cũng bị đặt nghi vấn.[6] Hơn nữa, Suetonius cho thấy Nero chỉ trừ khử Otho, chồng của Poppaea sau khi Agrippina chết năm 59, do đó khó có thể tin rằng Poppaea áp lực Nero làm điều này.[7] Theo luận cứ của một số sử gia hiện đại, Nero quyết định giết Agrippina do bà âm mưu đưa Gaius Rubellius Plautus (anh em họ bên ngoại của Nero) lên ngôi vua.[8]

Tacitus cho rằng Nero tính chuyện đầu độc hoặc đâm chết mẹ, nhưng thấy những phương pháp này khó thực hiện mà dễ bị lộ nên quyết định dàn dựng một vụ đắm thuyền.[9] Dù vẫn luôn dè chừng, Agrippina đã lên thuyền, suýt chết vì trần thuyền làm bằng chì đổ sập lên bàn, chỉ nhờ chiếc sofa che chở.[10] Các thủy thủ đánh chìm chiếc thuyền nhưng Agrippina kịp bơi vào bờ.[10] Khi nghe tin Agrippina còn sống, Nero sai ba sát thủ đến đâm chết bà.[11]

Còn theo Suetonius, Nero bối rối vì mẹ luôn cẩn trọng nên ba lần cố đầu độc bà, nhưng bà kịp dùng thuốc giải nên thoát chết.[12] Nero dàn cảnh trần nhà đổ để giết bà trong phòng ngủ nhưng không thành công.[12] Ông bèn cho chế tạo một chiếc thuyền để bị đánh đắm, rồi cho một chiếc thuyền khác đâm vào chiếc thuyền này khi có Agrippina.[12] Nhưng Agrippina lại thoát chết nên Nero ra lệnh giết bà rồi dàn cảnh thành một vụ tự sát.[12]

Câu chuyện của Cassius Dio có nhiều chi tiết khác, bắt đầu với Poppaea như là nguyên cớ của vụ mưu sát.[13] Nero cho thiết kế một chiếc tàu có đáy mở.[14] Agrippina bị đưa lên tàu, sàn tàu mở ra, bà bị rơi xuống biển,[14] nhưng bơi được vào bờ, Nero sai một sát thủ dến giết bà,[15] rồi tuyên bố Agrippina mưu sát ông rồi tự tử.[16] Agrippina bảo sát thủ đâm vào bụng bà, ngụ ý muốn sát thủ hủy phá phần này của thân thể nơi bà từng mang nặng "đứa con trai đáng kinh tởm."[17]

Nero đến xem xác mẹ và khen bà đẹp biết bao, rồi cho hỏa táng ngay trong đêm. Đêm đó, Nero thẫn thờ, câm lặng và khiếp đảm. Khi tin tức về cái chết của Agrippina được loan ra, quân đội La Mã, nguyên lão nghị viện và nhiều người gửi thư chúc mừng Nero.